Nội dung chính bài viết
Nhiều người nghĩ gói bánh chưng rất khó và phức tạp. Thế nhưng thật thế, chỉ với một chút sự khéo léo là bạn có thể gói được một chiếc bánh chưng đẹp. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách gói bánh chưng bằng lá chuối/ lá dong cực kỳ đơn giản cho ngày Tết sắp tới.
Gói bánh chưng ngày Tết là một trong những phong tục cổ truyền của người Việt
Danh sách nguyên liệu
- Lá dong hoặc lá chuối
- Lạt giang dẻo hoặc dây nilon
- Gạo nếp ngon.
- Đậu xanh không vỏ.
- Thịt ba chỉ có phần nạc, mỡ, đều và dày, bì mỏng.
- Gia vị: Muối, hạt tiêu.
- Khuôn bánh chưng (nếu có).
Chuẩn bị trước khi gói bánh
Đậu xanh không vỏ:
- Ngâm trong nước sạch khoảng 2 tiếng cho nở, sau đó đãi sạch và loại bỏ hạt xấu.
- Cho vào một muỗng muối và trộn đều. Kế tiếp đem đi hấp chín.
- Đậu xanh sau khi chín để nguội và tán nhuyễn. Có thể thêm tiêu để đậu xanh thêm thơm.
- Vo đậu xanh thành từng nắm có kích thước vừa phải, khoảng bằng quả cam nhỏ.
Thịt ba chỉ:
- Rửa sạch thịt và thái thịt thành từng miếng dày khoảng 2 cm.
- Ướp với một chút muối, hạt nêm cùng hạt tiêu.
Nếp ngon:
- Ngâm trước khi gói khoảng 2 tiếng. Có thể ngâm cùng nước cốt lá nếp để cho màu xanh đẹp và thơm.
- Vớt nếp ra và để ráo. Kế tiếp xốc với muối (lượng mặn, nhạt tùy theo khẩu vị gia đình).
Lá chuối/ Lá dong:
- Rửa sạch lá và để ráo nước.
- Nếu dùng lá chuối thì bạn chỉ cần cắt lá chuối thành những mảnh lớn, bỏ phần cuốn lớn ở giữa.
- Nếu dùng lá dong, bạn cần gọt bớt phần cuốn bằng cách cắt từ giữa lá trở ngược lại phần cuốn.
Phần chuẩn bị trước khi gói bánh chưng
Hướng dẫn gói bánh chưng ngày Tết có khuôn và không khuôn
Dưới đây là cách gói bánh chưng bằng lá chuối/ lá dong có khuôn và không khuôn. Với mỗi cách, bạn có thể dùng loại lá còn lại với cách làm tương tự:
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối có khuôn:
- Trải lá chuối ra mâm hoặc mặt phẳng rộng, tiếp đến gấp đôi lá chuối theo chiều dọc.
- Để cạnh gấp của lá chuối vào cạnh, tiếp tục mở lá ra sao cho phần còn lại ôm sát 2 cạnh khuôn kế cận. Đồng thời trải phần lá dưới đáy khuôn ra.
- Gấp phần lá chuối ở phần đáy khuôn sao cho tạo thành hình tam giác.
- Làm tương tự với 1 mảnh lá chuối khác. Tuy nhiên cần xếp chồng lên các góc đối diện và bẻ lá sao cho hai mép lá thật khít nhau.
- Cho 1 chén nếp vào và dàn đều.
- Cho 1/2 phần đậu xanh đã được vo tròn trước đó vào chính giữa phần nếp, dàn đều ra.
- Bỏ thịt đã ướp lên trên đậu xanh.
- Phủ lên thịt 1 lớp đậu xanh rồi tới nếp với lượng như trên.
- Gập phần lá chuối dư lại. Dùng 1 tay giữ phần lá cố định và từ từ lấy khuôn ra.
- Dùng 4 dây lạt buộc bánh lại. Lưu ý buộc vừa phải, không quá chặt cũng không quá lỏng.
- Để chiếc bánh trông gọn gàng, bạn hãy cài các phần dây lạt thừa vào các lớp lạt đã được định hình trước đó.
Sử dụng khuôn giúp việc gói bánh dễ dàng hơn
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối dùng khuôn mất khá nhiều thời gian ở bước xếp lá hơn so với cách không dùng khuôn. Tuy nhiên đây lại là sự lựa chọn tốt nhất cho những bạn lần đầu hoặc chưa quen với việc gói bánh. Bánh sau khi gói ngoài việc dễ dàng buộc lạt mà hình dáng cũng vuông vức, gọn gàng hơn. Sau này khi đã quen tay, bạn có thể thoải mái gói bánh chưng mà không cần đến khuôn.
Cách gói bánh chưng lá dong không dùng khuôn:
- Xếp 4 lá dong thành hình chữ thập chồng lên nhau như hình bên dưới. Lưu ý 2 lá bên trong để mặt trơn hướng lên trên, 2 lá ngoài cùng mặt trơn hướng xuống dưới.
- Cho 1 chén nếp vào chính giữa lá.
- Lấy 1 viên đậu xanh đã được vo tròn trước đó và cho phần thịt vào bên torng. Sau đó đặt viên đậu xanh lên giữa phần nếp
- Đổ thêm 1 lớp nếp bên trên và dàn đều ra.
- Dùng tay gấp lần lượt các lớp lá dong vào. Chú ý gấp chắc tay và gập mép để định hình cho bánh.
- Dùng 2 dây lạt buộc song song để giữ bánh không bị bung. Sau đó vỗ bánh xuống bàn để bánh thêm chắc chắn.
- Lấy 2 dây lạt còn lại buộc vuông góc với dây lạc trước đó là đã hoàn thành xong chiếc bánh chưng cho ngày Tết.
Gói bánh chưng bằng lá dong không dùng khuôn mặc dù nhanh hơn so với cách dùng khuôn nhưng với những người mới hoặc chưa quen gói bánh sẽ rất khó khăn. Trong những lần đầu, bánh có thể sẽ không được đẹp nhưng càng về sau, bạn sẽ dần quen tay và bánh cũng sẽ được định hình tốt hơn.
Nấu bánh
Gói bánh chưng ngày Tết không thể thiếu bước nấu bánh. Các thao tác ở bước này lần lượt như sau:
- Chuẩn bị 1 cái nồi to. Cho lá chuối hoặc lá dong thừa, cuốn lá vào đáy nồi.
- Xếp bánh thẳng đứng, sau đó đổ nước qua mặt bánh.
Cách xếp này giúp bánh được chín đều sau khi nấu
- Đun với lửa to. Khi nước sôi thì giảm bớt lửa.
- Nấu liên tục trong 12 tiếng đồng hồ.
- Trong quá trình nấu, nếu thấy nước giảm (không còn qua mặt bánh) thì bạn cần cho thêm nước vào.
- Khi bánh đã chính, bạn vớt bánh ra. Kế tiếp dùng vật nặng đè lên mặt bánh để bánh được phẳng, đẹp.
Yêu cầu thành phẩm
- Bánh có hình vuông đẹp.
- Lá gói bánh không bị nứt, khiến cho nước tràn vào bánh.
- Bánh chính đều, không quá khô hoặc quá nhão.
- Bánh có hương vị vừa phải, nhân không được lộ ra bên ngoài.
Cách bảo quản bánh chưng
Để bảo quản bánh chưng, bạn chỉ cần để bánh ở nơi thoáng mát. Tuy nhiên ở một số khu vực đặc tính thời tiết nóng, bạn cần phải bỏ bánh chưng vào ngăn mát tủ lạnh nếu muốn thời hạn sử dụng của bánh được lâu. Mặc dù vậy, nhiệt độ thấp của tủ lạnh sẽ khiến bánh bị khô và hương vị không còn ngon như trước.
Bánh chưng ăn ngon nhất khi còn đang nóng và chưa để vào tủ lạnh lần nào. Thế nhưng nếu không thể ăn hết bánh chưng hết trong một lần, bạn chỉ nên ăn bánh tới đâu thì bóc vỏ tới đó. Nếu bánh chưng sau khi để tủ lạnh bị khô, bạn có thể biến tấu bánh thành bánh chưng chiên ăn kèm với dưa hành, củ kiệu, lạp xưởng,… đều rất ngon.
Chỉ cần chiên bánh cho đến khi lớp vỏ nếp bên ngoài giòn là có thể dùng được
Bạn có thể xem hướng dẫn cách làm các món ăn kèm tại đây:
Trên đây là cách gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn và không dùng khuôn. Chỉ với một chút khéo léo và kiên nhẫn là bạn có thể có những chiếc bánh chưng thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phần cho cả nhà. Chúc bạn sẽ thực hiện thành công với hướng dẫn gói bánh chưng trên!