Nội dung chính bài viết
Với người dân châu Á, Tết đến là dịp để cùng chế biến và thưởng thức những món ăn mang lại may mắn trong năm mới. Bạn sẽ được mời ăn mì Soba khi đến Nhật Bản, ăn canh bánh gạo Tteokguk để đón tuổi mới ở Hàn Quốc hay ăn món Lạp ở xứ sở Triệu Voi.
Mì Soba (Nhật Bản)
Mì Soba là món ăn truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Phần sợi của mì Soba được làm từ kiều mạch hoặc hỗn hợp kiều mạch và lúa mì (kiều mạch thuộc nhóm thực phẩm gần giống với ngũ cốc, giàu protein và chất xơ). Sợi mì dài, dày và có màu sẫm hơn so với các loại mì khác. Phần nước dùng của mì Soba là sự kết hợp đặc trưng giữa nước súp Dashi (được chế biến từ nước cá ngừ hầm), nước sốt Mirin và nước tương Koikuchi.
Người Nhật quan niệm sợi mì Soba dài và dày, tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng. Khoảng 800 năm trước, vào thời Kamaruka, một ngôi chùa đã tặng mì Soba cho người nghèo vào dịp năm mới. Từ đó, loại mì này thường được dùng nhiều nhất vào thời điểm giao thừa và đầu năm mới với ước muốn trường thọ, ấm no.
Việc ăn mì Soba còn mang nhiều ý nghĩa và niềm hy vọng khác. Phần sợi của mì Soba dễ đứt, nên người ta cho rằng ăn mì để cắt bỏ vận rủi của năm cũ, đón vận may trong năm mới.
Canh bánh gạo Tteokguk (Hàn Quốc)
Ăn canh bánh gạo Tteokguk được xem là một phong tục đón Tết của xứ sở Kim Chi. Ở đất nước này, thay vì hỏi tuổi trẻ em, bạn có thể hỏi “cháu đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?”. Bởi nếu bạn ăn một bát canh Tteokguk tức là bạn đã lớn thêm một tuổi. Trong buổi sáng đầu tiên của Seollal (Tết cổ truyền của người Hàn Quốc), mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau và thưởng thức món canh này, với ước mong một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn.
Món canh Tteokguk được làm từ bánh gạo của người Hàn Quốc. Màu trắng của bánh gạo tượng trưng cho sự tinh khiết, sợi bánh gạo dài biểu trưng cho hạnh phúc dài lâu, những miếng bánh gạo được ép mỏng thành hình đồng xu với mong muốn có tiền bạc dư dả, giàu có. Nước dùng của canh là nước luộc thịt bò hoặc thịt gà. Một vài lát thịt bò hoặc thịt lợn cũng được đặt lên trên. Rau ăn kèm thường là hành tây hoặc ớt đỏ thái sợi. Món canh này có thể ăn kèm với kim chi để tăng thêm hương vị đậm đà.
Sủi cảo (Trung Quốc)
Sủi cảo được xem là một phần của nền văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Tết đến là dịp để gia đình sum họp và cùng nhau làm bánh sủi cảo, cầu mong một năm mới may mắn và sung túc. Hình dáng của sủi cảo rất giống với những thỏi vàng, do đó giới doanh nhân Trung Quốc quan niệm rằng nếu ăn những “thỏi vàng” đó sẽ gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh, phát tài trong năm mới.
Sủi cảo còn gọi là bánh Chẻo, phiên âm là “jiao zi” (tức bánh xếp miếng). Quá trình làm nhân và gói sủi cảo được người Trung Quốc thực hiện rất cầu kỳ. Nhân sủi cảo thường là thịt trộn với rau băm nhuyễn. Trong tiếng Trung, rau trộn với thịt đồng âm với từ “có của”. Do vậy người dân quan niệm rằng khi băm nhân làm sủi cảo nếu phát ra tiếng to và trong thời gian dài thì của cải trong năm mới sẽ “dư thừa và lâu dài”.
Sủi cảo gói theo kiểu truyền thống là hình bán nguyệt. Ở một số vùng nông thôn, người làm sủi cảo còn in thêm hình bông lúa như cầu mong một năm mới trồng trọt bội thu. Có người còn kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền với nhau như hình ảnh nén bạc, ngụ ý tiền của khắp nơi, vàng bạc đầy nhà.
Gỏi cá sống Yu Sheng (Malaysia)
Yu Sheng được xem là món ăn mang lại may mắn trong năm mới của người Hoa sống ở Malaysia. Trong tiếng Hoa, Yu Sheng có nghĩa là dồi dào, dư dả. Món ăn này gồm cá sống cắt lát mỏng (thông thường là cá thu hoặc cá hồi kiểu sashimi), rau củ xắt nhỏ như kiểu salad, nước sốt được rưới đều lên trên. Tất cả thành phần được thái nhỏ và bày biện lên chiếc đĩa lớn, hài hòa về màu sắc.
Người dân Malaysia lý giải cho từng nguyên liệu thêm vào món ăn này: họ thêm cà rốt vào để ước mong may mắn, thêm củ cải và dưa leo như muốn trẻ mãi và làm ăn thăng tiến, chan dầu lên trên để tăng lợi lộc, rắc đậu phộng tượng trưng cho vàng bạc đầy nhà, rắc mè ngụ ý cho thăng tiến chức vị.
Cách thưởng thức món này khá độc đáo, mọi người cùng quây quần bên bàn ăn, xới đều đĩa gỏi, gắp lên càng cao thì càng nhiều may mắn và hô vang câu chúc may mắn trước khi ăn.
Món Lạp (Lào)
Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là dồi dào, may mắn. Vì vậy bữa ăn trong năm mới của người Lào không thể thiếu món Lạp. Món ăn này tuy đơn giản nhưng lại được nấu rất cẩn thận. Bởi nếu Lạp không ngon tức cả năm đó có thể sẽ gặp điều không may.
Lạp được làm từ thịt nạc băm nhỏ (thông thường là thịt gà, thịt vịt, thịt bò, thịt lợn, thịt hươu…) trộn đều với tim, gan băm nhỏ và một số gia vị (chanh, riềng, sả) cùng một chút thính nếp. Rắc lên trên đĩa thịt này là vài cọng ngò gai hoặc húng lủi. Món lạp thường được ăn cùng với xôi nếp Lào trắng ngần, dẻo quánh.
Bánh chưng/Bánh tét (Việt Nam)
Trong ngày Tết của mỗi gia đình Việt luôn có món bánh chưng, bánh tét. Đây không chỉ là những món ăn mang lại may mắn trong năm mới, mà còn thể hiện nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ và nhân sinh.
Hình vuông của bánh chưng tượng trưng cho đất. Có bánh chưng vào dịp Tết như ước mong của người Việt có đất đai đầy đủ (nếp, đậu xanh) và màu mỡ, no ấm, may mắn (thịt mỡ). Ngoài ra, bánh được gói bằng lá xanh với nhân trong ruột như hình ảnh cha mẹ bảo vệ con cái. Gói bánh chưng cũng là cách để người dân bày tỏ lòng tôn kính đến cha mẹ vào mỗi độ Xuân về.
Bánh tét là biến tấu của bánh chưng về sau. Bánh tét thường có mặt ở miền Nam tượng trưng cho con người nơi đây hiền lành, chân chất và giản dị. Vì vậy, bánh tét thường được làm đơn giản hơn, gói theo “đòn”, hình trụ thon dài.
Bánh tét có nhiều loại nhân mặn và ngọt khác nhau, tùy ý gia chủ. Nếu bánh tét ở Sài Gòn chỉ thuần túy bằng gạo nếp và đậu xanh thì bánh tét ở miền Tây đa sắc hơn.
Như vậy dù món ăn đầu năm mới ở mỗi quốc gia châu Á khác nhau, nhưng tất cả đều là lời ước nguyện cầu một năm mới may mắn, sung túc và hạnh phúc của người dân.