Nội dung chính bài viết
Cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi trong nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo, bùi và không bị nát như thế nào là một trong những thắc mắc của nhiều chị em trong dịp Tết năm nay. Hãy cùng Ngon Online vào bếp và thực hành làm món mứt vô cùng đơn giản này nhé!
>> Cách làm mứt dừa viên dẻo ngọt cho ngày Tết
>> Nhâm nhi bánh khoai lang chiên giòn rụm ngày Tết
Cách chọn khoai lang dẻo, ngọt
Khoai lang là món ăn dân giã, có thể luộc, nướng và làm mứt vô cùng thơm ngon. Không chỉ vậy, mứt khoai lang còn rất giàu dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, chọn khoai lang như thế nào để mứt dẻo, bùi không phải ai cũng biết. Một số mẹo vặt sau đây sẽ giúp chị em chọn khoai lang tươi, ngọt nhất:
- Nên chọn củ khoai lang, cứng, cầm chắc tay, không thâm hoặc gãy, sứt.
- Khoai lang có kích thước vừa phải. Khoai lang củ to rất nhiều xơ, dễ khiến món mứt bị nát khi sên.
- Không nên chọn mua khoai lang bị rỗ, có màu đen, sượng, bị ngấm nước hoặc có dấu hiệu mọc mầm.
- Khoai lang sau khi mua về không nên bảo quản trong tủ lạnh vì khoai dễ bị hỏng, héo và mất vị ngọt. Thay vào đó nên để khoai ở nơi thoáng mát, không bọc túi nilon và lưu ý không để nơi ẩm ướt nhé.
Cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi trong
Nguyên liệu:
- Khoai lang tím/đỏ/vàng: 1kg
- Muối: 2 muỗng cà phê
- Chanh: 1 quả
- Đường: ½ kg
- Nước lọc: 1 lít
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Chanh cắt làm đôi, vắt lấy nước cốt.
- Khoai lang gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt thành những miếng hình chữ nhật, hình tròn hoặc thành từng viên vuông dày khoảng 1cm.
- Cho nước lọc vào 1 chiếc âu/tô lớn, cho 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho khoai lang cắt nhỏ vào ngâm khoảng 30 phút.
- Sau 30 phút, đổ khoai ra rổ, rửa lại nhiều lần cho sạch rồi dùng khăn lâu khô từng miếng khoai. Ngoài ra, bạn cũng có thể phơi nắng để khoai ráo nước nhé!
Lưu ý: Khoai lang sau khi cắt cần ngâm vào nước muối ngay để giữ cho khoai không bị thâm.
Bước 2: Chiên khoai lang
- Bắc chảo lên bếp, cho khoảng 300ml dầu ăn vào. Khi dầu nóng già, cho khoai vào. Chiên khoai với lửa vừa tới khi chín vàng.
- Vớt khoai ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
>> Mách nhỏ:
Nước vôi trong có tác dụng giúp khoai lang cứng và không bị nát khi sên. Vì vậy, khi không ngâm nước vôi trong, khi sên khoai rất mềm. Do đó, bạn phải chiên khoai chín vàng xung quanh để giúp miếng khoai dai hơn. Đây là một trong những bí quyết giúp mứt khoai vẫn đẹp mắt, không bị nát dù không ngâm trong nước vôi trong.
Bước 3: Sên khoai lang chiên với đường
- Cho ½ kg đường và 150ml nước vào chảo, đun sôi với lửa nhỏ cho đến khi đường sủi bọt thì cho khoai vào, đảo nhẹ tay vài lần.
- Khi thấy đường kết tinh trắng, bám vào khoai thì tắt bếp.
Bước 4: Bảo quản mứt khoai lang
- Chờ cho mứt khoai lang nguội hẳn, cho khoai vào hũ thủy tinh hoặc nhựa, bảo quản nơi thoáng mát.
Yêu cầu thành phẩm
- Mứt khoai lang sau khi sên xong có màu vàng/tím/đỏ tươi đẹp mắt.
- Miếng khoai không bị nát.
- Đường bám đều trên từng miếng.
- Khi ăn có vị ngọt vừa phải, bên ngoài giòn, dai nhưng bên trong bùi, dẻo.
Cách bảo quản mứt khoai lang
Mứt làm tại nhà thường không sử dụng chất bảo quản nên rất dễ bị chảy nước nếu bảo quản, sên mứt không đúng cách. Cụ thể:
- Lượng đường quá ít, không đủ để kết tinh: Để đường kết tinh đều trên từng miếng khoai lang, bạn cần sử dụng đúng lượng đường cần thiết, 1kg khoai lang cần 500 gram đường.
- Để lửa quá lớn khi sên mứt: Khi sến mứt với lửa quá lớn, đường rất dễ bị cháy, không kết tinh được vì nước chưa kịp bay hơi. Vì vậy, bạn cần lưu ý điều chỉnh lửa cho phù hợp khi sên mứt khoai lang. Theo đó, khi cho khoai lang vào chảo nước đường nên để lửa vừa, nước cạn thì để lửa nhỏ và khi đường sắp kết tinh thì hạ lửa thật nhỏ nhé!
Để mứt khoai lang giữ được vị ngon như ban đầu, chị em có thể áp dụng một số mẹo vặt như:
- Bảo quản mứt khoai lang trong lọ thủy tinh/hũ nhựa, cất trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách bảo quản này, bạn có thể sử dụng khoảng 1 tháng. Nếu để mứt trong túi nilon buộc kín thì chỉ để được tối đa 3 tuần.
- Đậy kín nắp sau mỗi lần sử dụng.
- Tránh để mứt ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào vì mứt dễ chảy nước, nhiễm khuẩn gây đau bụng.
- Mứt dọn ra khay không nên cho vào hũ lại. Vì vậy, bạn chỉ nên cho một lượng mứt vừa đủ để tránh mứt bị hư hỏng, phải bỏ đi nhé!
- Nếu mứt có dấu hiệu chảy nước, bạn có thể cho mứt vào chảo, để lửa vừa và sên sơ lại khoảng 2-3 phút.
Atiso tươi rất tốt cho sức đề kháng, nếu bạn đang tìm hiểu cách nấu atiso tươi thì hãy tham khẻo hướng dẫn dưới đây nhé. Chắc chắn với những hướng dẫn về cách nấu atiso tươi đơn giản và dễ hiểu này, bạn có thể chế biến thực phẩm…
Cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi trong thật đơn giản phải không nào? Với bí kíp làm mứt này, giờ đây chị em không cần phải lo lắng về chất lượng, an toàn khi mua mứt bên ngoài nữa. Hãy cùng bắt tay làm ngay món mứt khoai lang thơm ngọt, dẻo bùi bên trong để chào đón năm mới nào!