Nội dung chính bài viết
Theo trend “Thử thách 10 năm”, những ai yêu thích ẩm thực có bao giờ thắc mắc những món ăn ngày Tết sau 10 năm, 20 năm đã thay đổi ra sao? Các món ăn quen thuộc của Tết xưa và Tết nay đã có sự “biến hóa” ngày càng đa dạng và thú vị hơn.
Bánh chưng
Ngày xưa, các gia đình thường rất coi trọng việc gói bánh và chuẩn bị rất chu đáo. Cứ độ từ khoảng 26 Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh những nồi bánh chưng được kê trên 3 viên gạch, củi lửa nghi ngút. Các thành viên bận rộn cho việc rửa lá, vo gạo nếp, đãi đậu, chẻ củi… Nhà nào gói ít thì tầm chục cái bánh, nhà nào gói nhiều thì hơn hai chục bánh để còn biếu hàng xóm, họ hàng. Một chiếc bánh chưng cơ bản gồm có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn phía bên trong và được gói lại bằng lá dong bên ngoài.
Ngày nay, tục gói bánh chưng ngày Tết không còn phổ biến nữa. Người ta dễ dàng mua tại các chợ hoặc siêu thị.
Món bánh chưng ngày nay cũng được biến tấu với muôn kiểu đa dạng dưới bàn tay khéo léo của người gói bánh, ví dụ như: bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm, bánh chưng ngũ sắc…
Bánh tét
Ngày xưa, hễ cứ thấy vài nhà trong xóm bắt đầu nhóm bếp than, chuẩn bị nồi to để nấu bánh tét là chợt nhận ra Tết đến rồi. Với người miền Nam, thấy bánh tét là thấy Tết. Trong ký ức của nhiều người, bánh tét ngày đó có nếp trắng mềm, đậu xanh nhuyễn thơm cùng thịt mỡ béo ngậy. Tuy nhiên, bánh tét ngày nay cũng bao gồm những nguyên liệu cơ bản đó nhưng được sử dụng thêm nhiều loại phụ liệu khác như nhân chuối, trứng vịt muối, lạp xưởng….
Bánh tét ngày nay được xem là sự sáng tạo không ngừng của người dân miền Nam. Bánh không đơn điệu với một màu cơ bản, mà nó đã “biến hóa” muôn hình vạn trạng, đủ màu đủ sắc. Gạo làm bánh được nhuộm thành nhiều màu sắc từ các phụ liệu tự nhiên: lá dứa tạo màu xanh, lá cẩm cho màu tím, gấc cho màu đỏ…
Mứt dừa
Mứt dừa hẳn là loại mứt quen thuộc của mọi gia đình Việt, đặc biệt là miền Nam – quê hương của xứ dừa trù phú tự nhiên. Loại mứt này được làm từ cơm dừa cứng, thái mỏng, ướp đường trong nhiều giờ, rồi đảo liên tục trên chảo (gọi là công đoạn sên mứt), đến khi đường kết tinh bám đều lên từng sợi mứt thì tắt bếp.
Tết xưa, sau ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp, nhiều nhà bắt đầu tiến hành làm một mẻ mứt dừa thật to. Cách thức chế biến tưởng chừng như đơn giản nhưng người làm mứt đều có một bí quyết riêng. Thậm chí ở một số nơi, bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn ngày nay khiến nhiều gia đình không có nhiều thời gian để tự làm mứt dừa tại nhà, họ thường mua mứt ở chợ hoặc siêu thị.
Mứt dừa ngày xưa thường có hình sợi dài, lát mỏng. Ngày nay để có món mứt dừa đẹp mắt, người ta đã sáng tạo ra cách cuộn mứt theo kiểu mới, trông giống hình hoa cúc, hình hoa hồng.
Mứt dừa ngày xưa có vị ngọt lịm cơ bản. Mứt dừa ngày nay có nhiều loại được làm từ dừa non, không chỉ ngọt mà còn có vị béo ngậy từ sữa đặc. Thậm chí một số nơi, người ta còn cho thêm sầu riêng để mứt có thêm hương nồng nàn.
Hạt dưa
Hạt dưa nhuộm đỏ là món ăn vặt dường như không thể thiếu trong Tết xưa. Tết đến cắn hạt dưa, ăn bánh mứt và uống một ngụm trà đã trở thành nét đẹp văn hóa trong lòng người Việt. Đối với bọn trẻ con cắn hạt dưa không được, thường để nguyên vỏ vào miệng rồi nhai ngấu nghiến, nghe rất vui tai.
Tuy nhiên trước thông tin hạt dưa nhuộm phẩm màu có chứa nhiều chất gây hại cho sức khỏe, nhiều gia đình đã thôi, không chọn loại hạt này vào những ngày Tết nữa. Thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều loại hạt dinh dưỡng khác như: hạt bí, hạt dẻ, hạt dẻ cười, hạt điều, hạt óc chó, hạt mắc ca…
Món ăn vặt nhâm nhi Tết đã dần thay đổi theo hướng tích cực, tuy giá có đắt hơn nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
Như vậy, dù là Tết thời xưa hay thời nay, các món ăn sau 10 năm hay 20 năm có thay đổi nhưng cũng chỉ để phù hợp với hoàn cảnh và phong cách sống của người dân tại mỗi thời điểm cụ thể. Ngoài ra, sự thay đổi đó còn đặc biệt giúp nền ẩm thực Việt trở nên đa dạng và phong phú hơn.