Cách làm chân giò hầm thuốc bắc truyền thống cực ngon và bổ dưỡng

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc truyền thống ngon, bổ dưỡng, các chị em đã biết chưa nào. Hôm trước Ngon.online đã giới thiệu đến các chị em cách làm chân giò hầm kỷ tử và cách làm chân giò hầm măng tươi. Ngoài ra, hôm nay, Ngon.online sẽ giới thiệu thêm đến các chị em một cách chế biến chân giò hầm mới cũng không kém phần ngon miệng và bổ dưỡng chút nào. Đó là món chân giò hầm thuốc bắc truyền thống. Nghe tên thế thôi chứ từ khâu chọn mua nguyên liệu đến khâu chế biến món chân giò hầm thuốc bắc này đều không khó chút nào. Các chị em hãy cùng tham khảo ngay cách làm chân giò hầm thuốc bắc truyền thống này tại đây nhé.

cách làm chân giò hầm thuốc bắc
Chân giò hầm thuốc bắc ngon bổ dưỡng

Nguyên liệu

  • Chân giò heo (hoặc chân giò dê) – 1 chiếc (tầm 1 kg)
  • Nấm mộc nhĩ – 20g
  • Nấm đông cô – 50g
  • Thuốc bắc (táo tàu, cao kỳ tử, hoài sơn, nhãn nhục, thục địa, kim châm) – 1 gói
  • Cà rốt – 1 củ
  • Hành tím, hành phi
  • Nước dừa xiêm – 500ml
  • Các gia vị cơ bản để ướp chân giò: mắm, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm,…

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc truyền thống

Bước 1: Chế biến chân giò

cách làm chân giò hầm thuốc bắc
Chế biến chân giò

Chân giò sau khi mua về, bạn đem đi rửa sạch lại với nước rồi quan sát xem trên chân giò còn xót lại cọng lông nào không thì dùng dao cao hoặc dùng nhíp nhổ đi cho sạch. Sau đó, bạn đem rửa chân giò với nước muối pha loãng cho thật sạch rồi rửa sơ lại với nước lần nữa. Tiếp đến, bạn dùng dao chặt chân giò ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

Sau khi đã sơ chế xong phần chân giò, bạn bắc một nồi nước đầy vừa đủ lên bếp đun sôi. Đợi đến khi nước sôi lên sùng sục thì bạn cho chân giò vào chần sơ qua một lượt. Mục đích của việc chần qua nước sôi như vậy để loại bỏ bớt chất dơ và mùi hôi của chân giò. Nước luộc đó bạn nhớ đổ đi nhé. Tiếp đến, ta vớt ra cho vào tô và bắt đầu ướp gia vị (gồm muối, tiêu, đường) trong vòng 2 – 3 tiếng cho chân giò thấm đều gia vị. Như vậy, chân giò hầm thuốc bắc mới có vị đậm đà và thơm ngon. Do đó, bạn nhớ chuẩn bị chân giò sớm trước khi nấu để có thời gian ướp chân giò nhé.

Sau khi đã ướp chân giò thấm gia vị, chúng ta bắc một chiếc chảo lên bếp, bật lửa lớn, rồi cho chút dầu ăn vào. Đợi dầu sôi đến nóng già, ta cắt hành tím và cho vào phi thơm. Tiếp đến, bạn cho chân giò vào rán qua một lượt cho thịt săn lại, phần bì giò chín có màu vàng đẹp, óng ánh rồi vớt ra và tắt bếp.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu

Chân giò sau khi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta bắt đầu chế biến các nguyên liệu còn lại nào.

Đầu tiên, hành tím lột vỏ, xắt nhỏ và cho vào 1 cái chén riêng

Cà rốt rửa sạch gọt bỏ vỏ, và cắt thành từng miếng vừa ăn. Bạn có thể xắt thành từng cục như nấu canh lục cục hoặc xắt thành từng khoanh tròn hay hạt lưu tùy ý.

Nấm đông cô ta cho vào ngâm nước lạnh trong vòng nửa tiếng đến khi nấm nở mềm thì vớt ra cắt bỏ chân và rửa lại với nước sạch một lần nữa rồi vớt ra để ráo.

Gói thuốc bắc gồm táo tàu, cao kỳ tử, hoài sơn, nhãn nhục, thục địa, kim châm, bạn cho chung toàn bộ vào ngâm nước, rửa sạch để lọc bỏ các chất bụi bẩn rồi vớt lên để ráo nước.

cách làm chân giò hầm thuốc bắc
Các nguyên liệu trong gói thuốc bắc đem đi ngâm nước, rửa sạch cho trôi bớt bụi bẩn rồi vớt lên để ráo

Vậy là chúng ta đã chuẩn bị xong toàn bộ các nguyên liệu để làm món chân giò hầm thuốc bắc rồi. Còn chờ gì nữa nào. Tiến ngay đến bước cuối cùng nào các chị em.

Bước 3: Cách làm chân giò hầm thuốc bắc

Bước này là bước quyết định. Thành bại là ở bước ảo diệu này đây. Các chị em đã chuẩn bị sẵn sàng chưa nào.

Đầu tiên, chúng ta bắc một chiếc nồi lớn, sâu lòng lên bếp. Nếu có nồi áp suất càng tốt nhé. Như vậy chân giò hầm mau mềm và tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Sau đó, chúng ta cho khoảng nửa lít dừa xiêm và 1 lít nước lạnh vào đun sôi. Đợi khi nước vừa sôi, ta cho tiếp các nguyên liệu thuốc bắc vào và đun ở lửa vừa.

Đợi đến khi nước trong nồi bắt đầu chuyển sang màu nâu đỏ, ta cho tiếp phần thịt giò đã chuẩn bị sẵn vào. Sau khi bỏ thịt vào, các chị em nhớ hạ lửa nhỏ lại để liu riu nhé. Chúng ta sẽ bắt đầu hầm như vậy đến khi chân giò chín mềm. Thường thì mình hầm bằng nồi áp suất, chân giò sẽ rất nhanh mềm. Tầm 45 phút đến 1 tiếng là chân giò đã mềm rồi. Còn chị em nào hầm bằng nồi thường thì chịu khó kiên nhẫn chút nhé. Theo kinh nghiệm hầm chân giò bằng nồi thường của mình cho thấy thì tầm 2 – 3 tiếng, chân giò mới đạt được độ mềm vừa ngon ưng ý.

cách làm chân giò hầm thuốc bắc
Hầm chân giò ở lửa liu riu từ 1 – 2 tiếng cho chân giò và các nguyên liệu đều đạt độ mềm ưng ý rồi tắt bếp

Các chị em có thể để nồi đó và đi làm chuyện khác cho tiết kiệm thời. Tuy nhiên đừng quên lâu lâu đảo qua một lần để vớt lớp bọt nổi lên trên bỏ đi nhé. Đây là những chất dơ được tiết ra từ trong chân giò đấy. Hơn nữa, làm vậy còn giúp cho nước hầm trở nên trong và ngon hơn.

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc bằng nồi áp suất

Đối với các chị em hầm chân giò bằng nồi áp suất, sau khi hầm được 30 – 45 phút, thì hãy dùng một chiếc đũa chọt thử xem thịt đã mềm chưa nhé. Nếu thịt đã bắt đầu mềm rồi, các chị em hãy cho tiếp cà rốt và nấm đông cô vào hầm thêm chút nữa cho các nguyên liệu đều đạt được độ mềm ngon ứng ý thì nêm lại chút gia vị cho vừa miệng nữa là có thể tắt bếp.

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc bằng nồi nấu thông thường

Đối với các chị em hầm chân giò bằng nồi nấu thông thường thì thời gian hầm sẽ lâu hơn. Sau khi hầm được 1 – 2 tiếng, các chị em hãy dùng chiếc đũa chọt thử xem thịt chân giò đã bắt đầu mềm chưa. Ta cho tiếp nấm đông cô và cà rốt vào hầm thêm 30 – 40 phút nữa. Rồi nêm lại chút gia vị sao cho vừa ăn và có thể tắt bếp.

Vậy là chúng ta đã làm xong món chân giò hầm thuốc bắc rồi. Cũng không quá khó phải không nào. Món chân giò hầm thuốc bắc cực ngon và lại cực bổ dưỡng. Đây sẽ là món ăn tuyệt vời cho cả gia đình tẩm bổ, lấy lại năng lượng sau một tuần dài học tập và làm việc.

Chúc các chị em thành công.